image banner
Hoạt động ngoài giờ lên lớp

“Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) là một bộ phận của quá trình giáo dục ở trường phổ thông. Đó là những hoạt động đuợc tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa trên lớp. HĐGDNGLL là sự tiếp nối hoạt động dạy học trên lớp, là con đường gắn lý thuyết với thực hành, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức với hành động, góp phần hình thành tình cảm, niềm tin ở học sinh. HĐGDNGLL là con đường quan trọng hình thành và phát triển nhân cách cho các em”

1. Mục tiêu, vị trí, vai trò và ý nghĩa của chương trình HĐGDNGLL 
                Theo tác giả Nguyễn Sinh Huy và theo các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên về HĐGDNGLL thì mọi hoạt động giáo dục được tổ chức trong nhà trường phổ thông đều nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh, giúp học sinh lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo cần thiết, phát triển tư duy sáng tạo và nhân cách.

  •   - HĐGDNGLL có một vị trí rất quan trọng trong hoạt động giáo dục.
  •  -   Là môn học bắt buộc được qui định trong kế hoạch giáo dục ở trường phổ thông nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đề ra.
  •  -    Là một bộ phận hữu cơ của hệ thống hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Nếu tổ chức có hiệu quả, HĐGDNGLL sẽ giúp gắn liền nhà trường với đời sống xã hội, góp phần phát huy vai trò của các lực lượng giáo dục trong nhiệm vụ giáo dục.

        Quá trình giáo dục không những được thực hiện qua các hoạt động giáo dục trên lớp mà còn qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Thực tế, học sinh phổ thông ngày nay có những bước phát triển nhảy vọt về thể chất và tinh thần. Các em mạnh dạn hơn, suy nghĩ táo bạo hơn, có nhu cầu mới hơn, đặc biệt là nhu cầu về hoạt động. Mặc dù hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo, song nội dung và tính chất học tập ở lứa tuổi này khác nhiều so với trước đó. Nó đòi hỏi ở các em tính năng động, độc lập và tư duy logic cao hơn. Những yêu cầu đó vừa phải thực hiện trong hoạt động học tập, vừa phải được cụ thể hóa trong các hoạt động tập thể. Việc tổ chức HĐGDNGLL với những hình thức đa dạng do học sinh quản lí và điều khiển có vị trí rất quan trọng ở lứa tuổi này. Đây là hoạt động không thể thiếu, có tác dụng thiết thực đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của các em.
           -   HĐGDNGLL là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường phổ thông, nó giữ vai trò quan trọng trong trong quá trình giáo dục toàn diện nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục đề ra.
          - HĐGDNGLL là sự tiếp nối hoạt động dạy học trên lớp, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, diễn ra trên bình diện rộng. HĐGDNGLL tạo môi trường gắn lí luận với thực tiễn. Trong HĐGDNGLL học sinh có điều kiện sử dụng kiến thức, kinh nghiệm tri thức đã học, khắc sâu kiến thức, mở rộng vốn hiểu biết, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, kích thích sự phát triển tư duy.
         - HĐGDNGLL là môi trường rèn luyện phẩm chất, nhân cách, tài năng, thiên hướng cá nhân, hình thành các mối quan hệ giữa con người với đời sống xã hội, với thiên nhiên và môi trường sống. Các hoạt động thực tiễn về khoa học kĩ thuật, lao động công ích, hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí…cùng tập thể có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới đời sống tình cảm của các em. Có thể nói HĐGDNGLL là môi trường tốt cho việc phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh, là điều kiện tốt nhất để các em phát huy vai trò chủ thể, chủ động, sáng tạo trong quá trình rèn luyện và học tập, góp phần hình thành tình cảm và niểm tin đúng đắn ở các em.
        - HĐGDNGLL tạo điều kiện để học sinh hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Khi tham gia các HĐGDNGLL, các em được hòa mình vào sự vận động chung của đời sống xã hội phong phú phức tạp và sôi động. Chính HĐGDNGLL đã bước đầu đặt học sinh trước những vấn đề của thời đại, của xã hội, của đất nước cũng như những thách thức thực tiễn mà các em sẽ phải tiếp cận và đối mặt…Từ thực tế đó các em hiểu được sâu sắc hơn sự cần thiết phải chuẩn bị cho mình hành trang để đảm đương trách nhiệm làm chủ bàn thân, chủ nhân tương lai của đất nước, của xã hội đang ngày càng phát triển.
         - Mục tiêu của chương trình HĐGDNGLL đặt ra là:
                + Về nhận thức: Giúp học sinh nâng cao hiểu biết về các giá trị truyền thống của dân tộc, hiểu và tiếp thu các giá trị tốt đẹp của nhân loại; củng cố, bổ sung, nâng cao và mở rộng kiến thức đã được học trên lớp; có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, nhà trường và xã hội; có ý thức lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
                + Về kỹ năng: Giúp học sinh củng cố vững chắc các kỹ năng cơ bản đã được rèn luyện từ những lớp trước, trên cơ sở đó tiếp tục rèn luyện và phát triển các năng lực chủ yếu như: năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, năng lực tự hoàn thiện, năng lực tổ chức quản lí, năng lực hoạt động chính trị-xã hội, năng lực hợp tác và cạnh tranh lành mạnh …
               + Về thái độ: Bồi dưỡng cho các em nhân sinh quan, thế giới quan khoa học để từ đó có thái độ đúng đắn trước những vấn đề của cuộc sống, biết chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân và đấu tranh tích cực với những biểu hiện sai trái của người khác, của bản thân để hoàn thiện mình; biết cảm thụ và đánh giá đúng cái đẹp trong cuộc sống.
2. Sự phân bố thời lượng và nội dung chương trình HĐGDNGLL
    - Thời lượng
               + Theo “Kế hoạch giáo dục của trường trung học phổ thông”. Trong 1 tháng, bên cạnh các môn học cụ thể còn có các hoạt động khác, trong đó có 4 tiết HĐGDNGLL và 2 tiết họat động tập thể.
              + Theo theo tài liệu bồi dưỡng thường xuyên của tác giả Từ Đức Văn      [31, tr.10] thì “HĐGDNGLL được qui định thực hiện vào tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần và 4 tiết hoạt động trong một tháng”.
     - Nội dung chương trình
             + Theo các sách giáo viên và các tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện HĐGDNGLL [8, 9, 10, 11], chúng ta thấy rằng HĐGDNGLL ở trường phổ thông có nội dung phong phú và tập trung vào 6 vấn đề lớn như sau:
            + Lẽ sống của thanh niên trong giai đoạn CNH – HĐH đất nước.
            + Tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình.
            + Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
            + Truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng, bảo vệ di sản văn hóa.
            + Thanh niên với vấn đề lập thân, lập nghiệp.
            + Những vấn đề có tính nhân loại như: bệnh tật, đói nghèo, dân số, môi trường, giáo dục và phát triển, hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc.
           + Nội dung của HĐGDNGLL được cấu trúc theo các chủ đề. Ở trường THCS, mỗi chủ đề hoạt động thường gắn với một ngày kỉ niệm hoặc sự kiện lớn trong tháng. Ở trường THPT, mỗi tháng là một chủ đề hoạt động. Tuy các chủ đề không gắn trực tiếp với các ngày lễ nhưng vẫn mang tính kế thừa. Để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện học tập, rèn luyện của học sinh trong 9 tháng của năm học và 3 tháng hoạt động hè, nội dung HĐGDNGLL được cụ thể hóa thành 10 chủ đề :

  • Tháng 9: “Thanh niên học tập, rèn luyện vì sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”
  • Tháng 10: “Thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình”
  • Tháng 11: “Thanh niên với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo”
  • Tháng 12: “Thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”
  • Tháng 1: “Thanh niên với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”
  • Tháng 2: “Thanh niên với lí tưởng cách mạng”
  • Tháng 3: “Thanh niên với vấn đề lập nghiệp”
  • Tháng 4: “Thanh niên với hòa bình, hữu nghị và hợp tác”
  • Tháng 5: “Thanh niên với Bác Hồ”
  • Tháng 6, 7, 8 – Chủ đề hoạt động hè: “Mùa hè tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”
  • + Chương trình HĐGDNGLL là một hệ thống cấu trúc mang tính chất đồng tâm, tịnh tiến. Tuy cùng chủ đề nhưng mức độ yêu cầu về nội dung của hoạt động giáo dục được phát triển phù hợp và có hiệu quả với đối tượng giáo dục ở cấp học, lớp học: từ dễ đến khó; từ đơn giản đến phức tạp, mức độ tổng hợp, khái quát tăng hơn.


Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 104
  • Trong tuần: 788
  • Tất cả: 299110
Đăng nhập